Duy trì mức sinh thay thế, để tương lai Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ 30/12/2022

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế, hiện cả nước có 33 tỉnh, có thành phố có mức sinh cao. Trong số này, có 12 tỉnh thuộc nhóm có mức sinh rất cao từ 2,5 con/phụ nữ trở lên.

  • 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (39%); 2 vùng có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ (1,56)%, đồng bằng sông Cửu Long (1,8%)...
     
    Những số liệu trên cho thấy bức tranh tổng thể về thực trạng mức sinh tại Việt Nam còn rất nhiều mảng màu khác biệt.
     
    Mức sinh không đồng đều giữa các vùng miền 
     
    Gần 60 năm qua, tổng tỷ suất sinh (TFR-Total Fertility Rate) của Việt Nam liên tục giảm từ 6,39 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn ở mức sinh thay thế (2,1 con).
     
    Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ mức sinh vì chúng ta đã duy trì được mức sinh thay thế rất lâu. Tuy nhiên, trên thực tế con số hiện nay về mức sinh trên cả nước còn có nhiều khác biệt, không đồng đều cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn so mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), riêng một số tỉnh, thành phố cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như  Thành phố Hồ Chí Minh (1,36 con), Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)... Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore - những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng, nhưng đang rất khó. Trong khi đó, khu vực trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với tổng tỷ suất sinh mỗi vùng là 2,34 con/phụ nữ.
    Theo các chuyên gia dân số - kế hoạch hóa gia đình, nếu để mức sinh quá thấp và duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh..., sẽ gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội.
    Duy trì mức sinh thay thế, để tương lai Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ - Ảnh 1.
    Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh xuống thấp, nhất là ở các tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp.

    3 mục tiêu duy trì mức sinh thay thế
     
    Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ, Bộ Y tế, xác định sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách dân số của nước ta với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm mức sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
     
    Trước thực tế đó, tại Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
     
    Mục tiêu của chương trình là: "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước".

    Chương trình của đưa ra 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
     
    - Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp;
     
    - Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao;
     
    - Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
     
    Duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
     
    Tiếp tục giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao sẽ tránh được các tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục….
     
    Phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp sẽ tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số nước phát triển đang phải đối mặt. Khi mức sinh tăng lên, sẽ làm giảm một phần mất cân bằng giới tính khi sinh và cũng góp phần làm chậm lại quá trình già hóa dân số và cải thiện chất lượng dân số (do một bộ phận dân số có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn sẽ sinh thêm con).
     
    Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách, tiến tới giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các đối tượng.
     
    Việc chủ động duy trì mức sinh hợp lý là để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn "già hóa dân số" sang "dân số già", có cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội và phát huy, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, sớm đưa trở lại mức cân bằng tự nhiên...
     

usana
teawolf
unique
ipa
hfma
frutarom
Life
brentag
aqua
adm
acc